PDA

View Full Version : Ghi chép Trường Sa - 2013



cào cào
16-05-2013, 13:47
Sau chuyến đi được gần 1 tháng mà tôi vẫn có cảm giác mình chưa dứt được mạch cảm xúc của chuyến đi, một cảm giác tôi chưa bao giờ có với những chuyến đi khác. Tôi vẫn cố gắng tìm thêm nhiều thông tin về Trường Sa hơn, tôi vẫn theo sát hành trình của các đoàn đi sau qua Facebook của các thành viên trên tầu HQ996 và của các bạn thuộc đoàn thăm Trường Sa của Trung ương Đoàn, để nhớ đến những điểm đảo tôi vừa qua, nhớ đến những người bạn tôi vừa mới gặp.

Tôi vẫn thấy mình vẫn nợ một cái gì đấy rất khó diễn tả thành lời với Trường Sa. Chia sẻ với các bạn vài ghi chép nho nhỏ tôi ghi lại trên chuyến hành trình 10 ngày trên biển qua các điểm đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Thị, Trường Sa và DK1/17, DK1/18.


Hình như chiến tranh đã lùi xa lắm rồi thì phải, kí ức chiến tranh giờ mờ nhạt trong xã hội hiện đại. Bọn trẻ con bây giờ chúng mơ thành những siêu nhân, hiệp sỹ...

https://2.bp.blogspot.com/-fK4FDcRj6rA/UYBhjKYIL-I/AAAAAAAAAPY/_HIvGgFSleE/s1600/b2b30660cf9535ca2adbf62e659e579d.jpg


Nguồn ảnh socnhi.com

Không như bọn chúng tôi thời xa xưa, đứa nào cũng muốn mình sau này lớn lên sẽ thành anh bộ đội, ao ước được một lần được mượn của anh, của chú, của bố chiếc mũ có ngôi sao vàng để đội lên đầu và khoe với trẻ con khắp phố. Trong số đồ chơi ít ỏi của chúng tôi ngày ấy, đứa nào cũng có một cây súng đẽo bằng gỗ, hoặc chí ít là bằng giấy gấp... Và những trò chơi của chúng tôi ngày ấy là những trò bộ đội, công an bắt gián điệp, đứa nào cũng giành phần mình làm bộ đội, quân đỏ, đứa nào bị bắt làm giặc, làm quân xanh thì hậm hực, chỉ mong trò chơi sớm kết thúc để mình được đổi vai...

Và tôi ở cái thời xa xưa đấy cũng có một ước mơ, một ngày nào đó lớn lên mình sẽ thành anh bộ đội hải quân. Tôi không nhớ tại sao lại là hải quân. Có lẽ là từ quyển thơ "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa có những bài thơ rất hay về các anh bộ đội, một trong những bài thơ đấy là bài này, bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ được mấy câu đầu.

Gởi theo các chú bộ đội
Trần Đăng Khoa

Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tầu chiến cháy, những tầu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi

Rồi từ nhà cháu chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo...

Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây

Cháu về lớp cũ tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi

Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi...

Minh hoạ cho bài thơ là hình vẽ hai anh bộ đội hải quân ngồi chơi bi với một cậu bé, phía xa xa là chiếc tầu thuỷ đang nhả khói. Hình ảnh minh hoạ rất thô sơ, chỉ là những nét phác hoạ, nhưng trong tâm trí của tôi, hình ảnh ấy có ấn tượng rất mạnh. Hình minh hoạ ấy kết hợp với bài thơ tạo nên một không khí rất sống động, tôi như nghe thấy tiếng cười của hai anh bộ đội với cậu bé, như nghe thấy tiếng tầu thuỷ đang kéo còi để chuẩn bị dời bến, như nhìn thấy cậu bé chiều chiều ra cạnh bờ biển đứng ngóng những người bạn đang ở trên một con tầu nào đấy ngoài biển kia.

Và ước mơ trở thành thuỷ thủ cứ thế theo tôi suốt quãng thời gian trẻ con xa xôi đấy. Tôi đã vẽ những bức vẽ nguệch ngoạc về những chiếc tầu thuỷ và về biển... Rồi thời gian trôi qua, ước mơ đấy biến mất lúc nào tôi cũng không biết, có đôi khi nó thoáng quay lại đâu đó khi tôi gặp lại một điều gì đấy từng thân thuộc trẻ con.

Tôi lớn lên làm một công việc chẳng liên quan đến bộ đội, đến hải quân và đến biển, nhưng tôi biết tôi yêu biển và tôi vẫn yêu quý những người lính. Vẫn mong một ngày được sống với giấc mơ ngày xa xưa đấy và giờ nó đang thành hiện thực. Tôi sẽ có 10 ngày sống trên một chiếc tầu hải quân ra quần đảo Trường Sa. Tôi rất muốn tin, đấy chính là con tầu mà ngày xưa tôi đã vẽ, và mong muốn sẽ được mặc bộ quần áo hải quân một lần trong đời.

Tôi đang mong trời yên biển lặng, tôi mong bình yên trên những chuyến đi.

cào cào
16-05-2013, 13:50
Ngày thứ 1.

Tôi đã lên tầu HQ996. Thế là chắc chắn tôi sẽ đi Trường Sa. Bao nhiêu hồi hộp, lo lắng cũng qua, chỉ còn lại một cảm xúc duy nhất, đó là sự xúc động. Xúc động vì đã được dự lễ tiễn đoàn theo đúng nghi thức Hải quân, nghi thức của những người đi biển. Tức là có đoàn tiêu binh đứng một hàng ngang giơ tay chào, ba hồi còi của tầu HQ996 rúc lên chào bến cảng, chào đất liền trước lúc ra khơi và ba hồi còi đáp lại từ tầu quân y Khánh Hòa 01, đấy là lời chào tạm biệt, lời chúc tốt đẹp, chúc thượng lộ bình an - à không phải thượng lộ nhỉ - chúc chuyến đi biển bình an, vững vàng tay lái vượt qua những con sóng cả, sóng lừng.

https://1.bp.blogspot.com/-77brGwzoAQs/UYKW5vYv68I/AAAAAAAAAPo/nVG0lEJxXpE/s640/a.JPG

Một vài câu chuyện gom được trên tầu.

Đoàn đi có 10 bạn nhà báo độc lập, bạn làm ở báo QĐND đi chuyến này là chuyến thứ 6 ra Trường Sa. Bạn kể mỗi chuyến đi như thế này, ngoài việc Hải quân phải trực sẵn sàng chiến đấu, còn có cả không quân với đội hình SU 30 cũng sẵn sàn ứng chiến trên biển.

Tuy mang danh nghĩa là đoàn Doanh nghiệp ra thăm Trường sa, nhưng cuối cùng có 6 đoàn bỏ chuyến. Có một số bộ đội thuộc các binh chủng khác cũng đi theo đoàn, mèng nhất cũng là cấp đại úy, còn lại là ủy ban TƯ MTTQ VN, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, HĐQT tập đoàn dầu khí, Tổng công ty Hàng không... lơ ngơ đâu ra mấy thằng nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng là tôi :)

Một chút thông tin về tầu HQ996.

Tầu đóng năm 1994, đưa vào hoạt động 1996, chắc là tầu thứ 9 đưa vào hoạt động năm 96 nên có số hiệu 996.

Tầu có sức rẽ nước 2000 tấn. Là tầu chở người chuyên dụng của Hải quân.

Tầu có sức chứa khoảng 200 người. Trong đó thủy thủ đoàn và bộ phận phục vụ là 50 người.

Tầu chở theo khoảng 800 tấn nước ngọt.

Mỗi một giờ chạy tầu, hai máy phát gồm một máy cho động cơ điện, một máy cho điện sinh hoạt, tốn 1m3 dầu diesel.

Tầu đang đi qua Cần giờ, sóng điện thoại vẫn còn nên các bạn tranh thủ gọi điện thoại nốt, vì đang đi trên sông nên sóng vẫn êm, chưa ai say nên vẫn còn lang thang khắp nơi để tìm hiểu thêm tầu.

cào cào
16-05-2013, 15:19
Biển vẫn lặng như Hồ Gươm nên cả đoàn công tác vẫn rất khỏe, chưa thấy ai bị say sóng. Mặt biển lặng như tờ và nước xanh như mực.

https://3.bp.blogspot.com/-X6R76aGDi40/UZSLli7haXI/AAAAAAAAAQY/esQ0WSM_zU0/s640/TS3.JPG

Đi qua nhà bếp, thấy các bạn tổ phục vụ đổ rác thẳng xuống biển. Rác hữu cơ thì không nói, sẽ làm mồi ăn cho cá và phân hủy được, chứ nilong, chai nhựa cũng đổ hết xuống biển. Các bạn có biết lượng rác không tiêu tan, theo các dòng hải lưu tụ về Bắc Thái Bình Dương, có tên quốc tế là Eastern Garbage Patch, diện tích lên đến 15 triệu km vuông, tức là lớn hơn nước Mỹ, tương đương với khoảng 100 triệu tấn rác và chủ yếu là nhựa, nilong và chất thải rắn không phân hủy. Đảo rác khổng lồ này đang không ngừng phình to ra với tốc độ đáng báo động.

Quần đảo Trường Sa là một quần đảo san hô, trải rộng trên một vùng biển khoảng 180.000 km2, gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm và bãi san hô, được chia thành 8 cụm đảo: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó Song Tử Tây là đảo cao nhất ( cao từ 4m đến 6m khi thủy triều xuống) và Bình Ba là đảo rộng nhất (0.6 km2)

Vùng Biển Đông, Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và gần 3000 đảo lớn nhỏ có vị trí chiến lược trong việc bảo vệ sườn phía Đông của Tổ Quốc.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, cho nên hầu hết các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều có hoạt động thương mại, hàng hải trên vùng Biển Đông. Trong số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đường đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.

Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch, thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông và Trung Quốc, Nhật Bản và các nước lân cận.

Vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có trữ lượng rất lớn về tài nguyên, khoáng sản bao gồm dầu khí, thiếc, zircon, mangan, thạch anh, thạch cao... Trong đó quan trọng nhất là dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỷ tấn quy dầu (chiếm 25% trữ lượng dầu khí trên cả vùng Biển Đông do tất cả các nước quản lý) và trữ lượng khí đốt lên đến 3000 tỷ m3/năm.

Ngoài ra trữ lượng cá và các loài động vật biển ước tính 32.5 tỷ tấn, chưa kể chim biển và các nguồn lợi mang đến từ rong biển và các thủy sinh vật dưới biển.

https://3.bp.blogspot.com/-S4SO4gaJoMU/UZSK6DDMDXI/AAAAAAAAAQQ/qgVxKEaiO-M/s640/TS2.JPG

Tôi chép một vài thông tin từ các sách đã đọc để thấy được vị trí chiến lược, tiềm năng và nguồn lợi thu được từ vùng biển Việt Nam và cũng phần nào lí giải được tại sao Biển Đông luôn nóng trong các mối quan hệ quốc tế gần đây.

cào cào
16-05-2013, 15:22
Ngày thứ 3 lênh đênh trên biển, loanh quanh hết chỗ nọ đến chỗ kia trên tầu, chẳng biết làm gì. Hết ăn rồi lại nằm. Ngày ăn bốn bữa, vừa thấy ăn xong lại thấy các bạn ở tổ phục vụ sắp bàn ghế để ăn bữa tiếp theo.

Biển vẫn lặng sóng và xanh ngắt còn hơn mực Cửu Long.

https://2.bp.blogspot.com/-g-UL-nUGWco/UZSTyJETV4I/AAAAAAAAAQs/eJdkgkNzKi0/s640/TS4.JPG

Phải chiều nay khoảng 2-3h tầu mới hạ neo gần đảo Song Tử Tây, các bạn văn công sẽ lên đảo trước, để đêm nay biểu diễn giao lưu với chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Sáng mai chúng tôi mới đổ bộ lên đảo vì đảo không đủ sức chứa hết gần 200 người như thế này.

Nghề đi biển là nghề vất vả, cực nhọc. Ngồi trên tầu nhìn những chiếc tầu cá, nếu đứng trên bờ nhìn chắc sẽ bảo là tầu to, nhưng giữa biển khơi mênh mông, những chiếc tầu cá như chiếc lá, mong manh giữa biển và bằng một góc tầu Hải quân chúng tôi đang đi và so với tầu hàng nước ngoài thì có khi chỉ bằng một chữ cái ghi trên thân tầu.

Chẳng có việc gì làm, ngồi đọc hết quyển phóng sự "Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa" của nhà báo Hà Anh , phóng viên báo Biên Phòng khu vực miền trung. Ngoài những câu truyện ghi trên đảo Lý Sơn về những hải đội Hoàng Sa đi giữ đảo dưới thời Nguyễn, phần còn lại là những câu chuyện về những cuộc vận lộn với gió to, sóng dữ, với những trận bão cấp 11,12, và cả những cuộc rượt chạy do bị tầu Trung Quốc xua đuổi... Thế để thấy con người trước thiên nhiên vô cùng nhỏ bé, số phận phó thác cho những may rủi của thời tiết. Và đôi khi, những con người mong manh giữa biển ấy lại nương nhờ vào những con cá heo, cá voi. Có cả một câu chuyện kể về một đàn cá heo còn dẫn chiếc tầu cá Việt Nam len lỏi giữa những luồng lạch để vào bãi cạn tránh những chiếc tầu Trung Quốc đang xua đuổi.

Chuyện kể thời chúa Nguyễn Ánh vì tránh nhà Tây Sơn mà phải ra biển chạy xuôi phía Nam. Gặp trận bão giữa mịt mùng biển khơi, cũng nhờ gặp được đàn cá voi nâng thuyền, cản sóng mà qua cơn bão, an toàn cập bến phương Nam. Sau này Nguyễn Ánh lên ngôi, nhớ ơn mà phong cho cá voi - cá ông là ngài Nam Hải Đại Tướng Quân.

Trong tín ngưỡng dân gian, cá voi là mảnh áo của Bồ tát ném xuống Đông hải để cứu giúp những ngư dân hiền lành trên biển. Vì thế mà dọc bờ biển miền Trung có rất nhiều lăng thờ những ông cá Voi lụy bờ. Cá biệt ở vùng biển còn có cả cá ông, cá bà cùng lụy thành một cặp.

Cuối ngày tầu cũng đến được đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa nhất của chuyến hành trình. Đảo nằm giữa 3 hòn đảo Song Tử Đông và Đá Nam. Song Tử Đông đang do Philipine chiếm giữ. So với Song Tử Đông giống như một hòn đảo để hoang, le lói vài ánh đèn thì Song Tử Tây được xây dựng rất nhiều công trình từ điện gió, âu tầu khu dịch vụ nghề cá, chùa...đèn điện sáng choang cả một vùng biển.

Nhìn thấy hòn đảo Việt Nam nổi lên giữa biển khơi, một phần của tổ quốc ở nơi xa xôi nhất, cách đất liền gần 500 hải lý, các bạn trên tầu đều xôn xao, giơ máy ảnh, điện thoại ra chụp. Ai cũng muốn được lên đảo luôn đêm nay, nhưng lúc buổi chiều tôi vừa đọc Bên thắng cuộcc đến đúng đoạn người Việt di tản trên biển, nạn kiều Trung Quốc và có một đoạn về Hoàng sa và Trường Sa, tự dưng lòng trùng xuống, không buồn, không vui.

phongk
16-05-2013, 17:51
Ôi, giấc mơ của tôi đây. Cuối cùng cũng có người viết về Trường Sa. Ngóng tin bác.

Onedollarbin
16-05-2013, 18:24
Lót dép hóng tiếp bài từ a :D

tikinrock
17-05-2013, 11:31
Tiếp đi bác ơi, đang hóng đây :D

cào cào
17-05-2013, 14:24
Ngày thứ 4

Buổi sáng cả đoàn được lên Song Tử Tây, nhưng khi cano vừa cập được vào đến đảo thì mây đen ùn ùn kéo đến, được một lúc thì mưa. Mấy thằng cầm máy ảnh chúng tôi kêu la ầm ĩ sao mà đen thế, mấy ngày đi trời yên, biển lặng, mây trắng, nắng vàng, đến lúc lên đảo thì trời mưa. Nhưng lên đến đảo mới biết, đảo Song Tử Tây có trên 300 ngày nắng một năm, thế nên gặp mưa trên đảo là điều may mắn lắm. Anh em chiến sỹ trên đảo đã chờ mưa đến 4-5 tháng nay rồi, nước ngọt trên đảo gần hết, rau xanh trên đảo phải tưới bằng nước lợ, giờ héo queo và gần chết.

https://2.bp.blogspot.com/-JU31NQG-k6E/UZUc3Eqo8xI/AAAAAAAAAQ8/AK-gkZcTUAM/s640/TS4.JPG

Tuy trời mưa nhưng đảo vẫn tổ chức lễ đón đoàn công tác bằng nghi thức chào cờ và diễu hành. Lần đầu tiên được nhìn lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên tấc đất cách Tổ quốc, cách đất liền cả ngàn tấc biển, chắc ai cũng sẽ thấy nghèn nghẹn trong cổ họng, không thể hát hết được lời bài Quốc ca.

https://3.bp.blogspot.com/-5wNy4Bg4Txc/UZUdv7DODuI/AAAAAAAAARE/sU427S5Gjrk/s640/TS5.JPG

https://1.bp.blogspot.com/-KyumlBY2vxg/UZUeHrzRIBI/AAAAAAAAARQ/gsQP-077kvw/s640/TS6.JPG

Sau lễ chào cờ, cả đoàn được lang thang tự do tìm hiểu cuộc sống của cán bộ chiến sỹ trên đảo. Đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất trên quần đảo Trường Sa, là đảo lớn nên ngoài các công trình quân sự, còn có các công trình dân sự chùa, hải đăng và trạm khí tượng, nhà dân...

Trong các bản tin thời tiết, các cô dự báo thời tiết thường nói: Hôm nay quần đảo Trường Sa nắng hoặc hôm nay khu vực giữa biển Đông có bão, thông tin đó được sử lý bằng số liệu thu thập được từ trạm khí tượng Song Tử Tây và Trường Sa lớn. Trưởng trạm khí tượng Song Tử Tây là một bạn còn rất trẻ nhưng cũng có gần 10 năm gắn bó với công việc thu thập số liệu khí tượng trên biển, bạn đã đi qua các trạm khí tượng trên đảo Phú Quý, Côn Đảo và giờ là Song Tử Tây.

https://3.bp.blogspot.com/-epC0aPW2Kjk/UZUgfGlclmI/AAAAAAAAARo/yZXlIquYiFE/s640/TS8.JPG
Tượng Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây

https://4.bp.blogspot.com/-SWzBjvi3KXM/UZUgkyCR_OI/AAAAAAAAARw/9uMKAgVe-GU/s640/TS8.JPG
Cổng chùa Song Tử Tây

Sát bên đài khí tượng thủy văn là ngọn hải đăng Song Tử Tây, một trong 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa và là ngọn hải đăng được xây dựng sớm nhất - năm 1993. Suốt 20 năm, ngọn hải đăng vẫn đêm đêm cần mẫn đảm bảo an toàn hàng hải cho vùng biển có bán kính rộng khoảng 18 hải lí quanh đảo Song Tử Tây. Cũng là lần đầu tiên tôi biết, những ngọn hải đăng không chỉ là cột mốc để cho những con tầu hướng tới trong giông bão, mà còn có nhiệm vụ báo hiệu đây là vùng biển nông, cần chú ý và giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.Những ngọn hải đăng trên biển còn là những cột mốc chủ quyền, giúp những con tầu qua lại trên biển biết đấy là vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Những người gác ngọn đèn biển mang ánh sáng cho cả một vùng rộng lớn như thế, nhưng cuộc sống của họ lại thầm lặng. Anh Thập trưởng trạm hải đăng Song Tử Tây, người có thâm niên 28 năm gác những ngọn đèn biển, trong đó có 19 năm gác những ngọn đèn biển trên quần đảo Trường Sa, anh đã gác qua 6 trên 9 ngọn hải đăng trên quần đảo. Một năm các anh bám đèn 9-10 tháng, về đất liền vội vàng trong khoảng 3 tháng nghỉ phép, nghỉ bù rồi lại quay ra. Cha mẹ hai bên, con cái, nhà cửa giao phó toàn bộ cho vợ. Anh nói cuộc đời anh gần như cống hiến cho những ngọn đèn biển, thế nhưng ít ai biết về sự có mặt của các anh ở đây. Nhiều lúc các anh cũng cần sự động viên của các đoàn công tác ra thăm đảo, của báo chí, nhưng rất nhiều đoàn ra đảo không hề ghé thăm, không một lời động viên thăm hỏi.

https://1.bp.blogspot.com/-JIHlu0d1cyQ/UZUhGwdvi-I/AAAAAAAAAR4/bxjxZgcQNUc/s640/TS9.JPG
Âu tầu tránh bão và khu dịch vụ nghề cá

Hình như đây cũng là lỗi của bộ máy tuyên truyền, báo chí tập trung vào những hộ dân trên đảo như những người tiên phong chịu hi sinh nơi đầu sóng ngọn gió, bám đất, bám biển cùng bộ đội Hải quân khẳng định chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Quên mất trên đảo còn có các đơn vị dân sự như trạm khí tượng, trạm hải đăng, khu dịch vụ nghề cá... họ cũng là những người bám biển, bám đảo, cũng chịu vất vả, hi sinh, những đóng góp của họ làm cuộc sống này tốt đẹp hơn.

cào cào
17-05-2013, 14:27
Buổi chiều chúng tôi lên đảo Đá Nam. Một đảo chìm cách Song Tử Tây khoảng 1 giờ tầu chạy. So với đảo nổi thì đảo chìm vô cùng khó khăn, chỉ là một phần đất nhỏ nhô lên giữa biển, đủ để xây một lô cốt 3 tầng bên trong vừa là bếp, phòng ở, hội trường và công sự. Rau xanh được trồng ở tất cả những nơi có thể và rất còi cọc, thế nhưng các anh vẫn nuôi được một đàn lợn, buổi trưa chúng thờ phì phì và nằm tránh nắng dưới chiếc xuồng CQ.

https://3.bp.blogspot.com/-FXIdVivTK2w/UZUidZlncYI/AAAAAAAAASE/2yunZmxEpGI/s640/TS10.JPG

https://4.bp.blogspot.com/-shaLpeWFxL0/UZUi8ZmoJJI/AAAAAAAAASM/n5j9F-U53dY/s640/TS11.JPG

Anh em chiến sỹ trên đảo luôn ngóng đoàn văn công. Các anh luôn miệng hỏi đoàn văn công ra chưa, đi xuồng thứ mấy? Bài hát đầu tiên các bạn Đoàn văn công xung kích thuộc Đoàn chèo tỉnh Hưng Yên hát là bài Lính đảo chờ mưa. Thật ngạc nhiên vừa cất tiếng hát, cơn mưa ầm ầm kéo đến, gió mát rượi, mây đen mịt mù. Mắt chúng tôi nhòa nước và rồi tất cả cùng hòa nhịp theo những bài hát, không còn biết ai là ca sĩ, ai là khán giả.

https://3.bp.blogspot.com/-S_A5BYusmW4/UZUjTUT0kMI/AAAAAAAAASU/beriHa-O59U/s640/TS12.JPG

Mưa trên biển ào đến rồi ào đi, dù lưu luyến dùng giằng mãi rồi mưa cũng tạnh, chúng tôi phải quay về tầu để tiếp tục cuộc hành trình. Tôi nấn ná để lên chuyến cano cuối cùng, chẳng biết nói gì chỉ bắt tay các anh thật chặt. Cano đi khuất rồi mà các anh em chiến sỹ vẫn đứng vẫy tay mãi làm nước mắt lại rưng rưng.

https://2.bp.blogspot.com/-yaEe-OqhUig/UZUks1IFb2I/AAAAAAAAASk/jRK9-B83UYA/s640/TS13.JPG

Cũng như mưa trên biển, các đoàn ra thăm đảo cũng ào đến rồi ào đi, lô xô vài lời hỏi thăm, vài gói quà tưởng thế là đem đến niềm vui, tưởng thế là quan tâm, là đủ để động viên các anh yên tâm công tác. Nhưng tôi nghĩ, cái để lại sau chuyến thăm là nỗi nhớ đất liền, là nỗi cô đơn giữa nơi mênh mông chỉ có trời và biển.


http://youtu.be/zZI-Ky6e2mQ
Lính đảo đợi mưa - Hát trên đảo Đá Nam

Chủ trương Việt Nam là quốc gia biển, hướng đến một nền kinh tế biển là chủ trương đúng. Việt Nam đã và đang đầu tư rất nhiều cho những cảng biển, công nghiệp đóng tầu, hàng hải và quân sự. Theo lời kể của các anh cán bộ sống lâu năm trên đảo, cuộc sống trên đảo giờ đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước , trên các đảo có cả sóng điện thoại Viettel nên khoảng cách giữa đảo và đất liền, giữa cán bộ chiến sỹ công tác trên đảo và gia đình đã gần hơn. Nhưng tôi vẫn thấy, giá như những thất thoát đổ vào Vinashin, Vinaline và những cái gì gì ở đâu đó nữa được đầu tư đúng chỗ cho những đảo chìm, đảo nổi, để Trường Sa gần với đất liền hơn nữa, để những chiếc tầu biển đang là đống sắt vụn nằm ở đâu đó trở thành tầu hải quân, để những bớt đi nữa những khó khăn, gian khổ của những người lính nơi đầu sóng đầu gió.

https://2.bp.blogspot.com/-A6BTplKOTj8/UZUfNSSJG6I/AAAAAAAAARc/O4y6hy_UcM0/s640/TS7.JPG

Còn nữa, trên đảo Song Tử Tây, tôi nhìn thấy cột mốc chủ quyền của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa dựng từ năm 1955, nằm lửng lơ, chơ vơ giữa vườn rau của trạm khí tượng. Chúng ta vinh danh hải đội Hoàng Sa ngày trước có công đưa những cột mốc ra khẳng định chủ quyền Việt Nam trên những hòn đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì nên chăng cũng cần ghi nhận những đóng góp nhất định của chính quyền Việt Nam Công Hòa trong nỗ lực khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển. Đừng ghẻ lạnh cột mốc chủ quyền nằm chơ vơ giữa mưa nắng Trường Sa.

cào cào
17-05-2013, 16:16
Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn

Bài thơ này của Trần Đăng Khoa, tôi đã đọc qua từ rất lâu, nhưng nó trôi tuột đi đến một vùng nào đó trong kí ức làm tôi không hề nhớ, nhưng chỉ đến khi lên đảo, khi được nghe hát Lính đảo đợi mưa, khi được tận mắt chứng kiến anh em chiến sỹ trên đảo mong mưa như thế nào thì mới thấy thấm thía, mới thấy phục Trần Đăng Khoa đã viết lên một bài thơ quá hay.

https://4.bp.blogspot.com/-zL1THfEF000/UZXn3OKUQjI/AAAAAAAAAUI/iC_XyeF1LBA/s640/TS22.JPG


Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...

Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hoá đất liền

Chúng tôi không cạo đầu để tóc lên như cỏ
Rồi khao nhau
Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt
Ôi ước gì được thấy mưa rơi ...

Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển
Ánh chớp xanh vẫn lấp loáng phía chân trời..
Ôi, ước gì được thấy mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát
Giãy giụa tơi bời trên cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào

Úp miệng vào tay, chúng tôi sẽ cùng gào
Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo
Mưa như chưa bao giờ mưa, sấm sét đùng đùng
Nhưng làm sao mưa cứ ngại ngùng
Chập chờn bay phía xa khơi...

Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi
Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu

Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu
Hay mưa bụi ... mưa li ti... cũng được
Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước
Một hạt nhỏ thôi cát cũng dịu đi nhiều...

Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi...

Mưa vẫn giăng màn lộng lẫy phía xa khơi
Mưa yểu điệu như một nàng công chúa
Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa
Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm cuối chân trời
Để bao giờ cánh lính chúng tôi
Cũng có một niềm vui đón đợi...

cào cào
20-05-2013, 08:40
Đi trên tầu, lên đảo hầu như các đoàn văn công và các thành viên trong đoàn đều hát câu hát: Không xa đâu Trường Sa ơi... hát thế thôi, nhưng Trường Sa xa lắm. Xa đất liền, xa tình cảm gia đình bè bạn, người yêu. Đảo còn thiếu nhiều những phương tiện thông tin như tivi, điện thoại, máy vi tính... xung quanh chỉ có nhiều sao trời, sóng biển, nắng, gió và những ngày giông bão.

https://4.bp.blogspot.com/-BXnJZ0jQY_M/UZWSyYoXl9I/AAAAAAAAATA/5NNyVv8wrsQ/s640/TS15.JPG

Hôm nay đoàn lên Đá Thị và Sơn Ca. Hỏi ấn tượng khi lên đảo là gì, tôi chẳng nhớ những công sự, hầm hào, những buổi họp, tặng quà... tôi chỉ nhớ những câu chuyện với chiến sỹ và đặc biệt là giây phút chia tay, tôi cứ nấn ná để lên tầu bằng chuyến cano cuối cùng, để được là những người cuối cùng chia tay anh em chiến sỹ trên đảo. Có những cậu chiến sỹ, trẻ lắm, hỏi em bao nhiêu tuổi, em trả lời 19. Chắc cậu bé cũng giống tôi tuổi 19, nghĩ mình lớn lắm, nghĩ mình đủ rắn rỏi can trường, lính Trường Sa cơ mà, nhưng các em còn trẻ lắm, tôi biết. Nhưng tuổi 19 các em hơn tôi rất nhiều. Tuổi 19 đáng sống, tuổi 19 em đang sống những ước mơ của tôi, ước mơ mà tôi đã quên, ước mơ mà tôi không dám sống.
https://2.bp.blogspot.com/-yEIYPEm0zBA/UZWWNA76piI/AAAAAAAAATw/7wmHjo311qc/s640/TS20.JPG

https://3.bp.blogspot.com/-_t5cZObX45o/UZWRdhfi6aI/AAAAAAAAAS0/nP01_a-dCJg/s640/TS14.JPG

Vài câu chuyện làm quen, vài lời nhận đồng hương, vài lời động viên thăm hỏi, vài câu chuyện vô thưởng vô phạt, thế mà cậu bé vụt chạy vào một góc, hí húi đào lên một con ốc gai. Như một báu vật - cậu kể muốn có được vỏ ốc gai đẹp như thế, cậu phải chôn xuống đào lên vài lần để làm sạch hết phần thân ốc, rồi rửa, rồi mài cho hết phần hà bám mới lộ ra phần vỏ ốc đẹp đẽ này - cậu tặng cho một bạn trong đoàn, đấy là tấm lòng của đảo gửi tặng đất liền. Chúng tôi một lũ tay không lên đảo. Chẳng có gì tặng lại, áy náy mà cũng chỉ biết bắt tay thật chặt để cảm ơn.

https://2.bp.blogspot.com/-pGVanuGBeOo/UZWTtiPfCLI/AAAAAAAAATQ/w_gp5VLm-yg/s640/TS17.JPG

https://3.bp.blogspot.com/-AvDe3j6iDQ0/UZWU8GRZPGI/AAAAAAAAATg/40eN_9z8xOc/s640/TS18.JPG

Những cái vẫy tay tiễn đoàn cuối cùng bao giờ cũng lưu luyến. Kể cả khi đoàn thuyền gần khuất sau chỗ ngoặt, quay lại vẫn thấy anh em nấn ná vẫy tay theo thuyền.

Tôi luôn sợ những cuộc chia tay, nhưng giờ tôi sợ nhất là chia tay những chiến sỹ quần đảo Trường Sa. Anh Võ cụm trưởng cụm chiến đấu trên đảo Sơn Ca bắt tay tôi thật chặt và đọc câu thơ:

Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau...

Không biết đáp lại thế nào, tôi đành mượn một chữ duyên. Phải có duyên mới gặp được nhau giữa biển khơi mịt mùng này và mong anh em còn duyên để có dịp gặp nhau trong đất liền, gặp nhau đâu đó trên đường đời. Anh chúc chúng tôi khỏe để hoàn thành chuyến công tác. Tôi cũng chỉ biết chúc lại anh khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhìn trong mắt anh tôi thấy có một nỗi niềm rất khó tả, một nỗi niềm giống như anh Thập trưởng trạm hải đăng trên đảo Song Tử tây, một chút buồn, một chút mặc cảm, một chút tự hào, trách nhiệm, một chút nỗi nhớ nhà, gia đình ở đất liền... và trên tất cả tôi thấy một nỗi cô đơn, không thể chia sẻ hết những tâm sự đang chồng chất trong lòng.

https://3.bp.blogspot.com/-FUNZFf632Wk/UZWWqOStz6I/AAAAAAAAAT4/X_L5MymBlXk/s640/TS21.JPG

Giữa biển khơi cuộc chia tay nào mắt cũng ngân ngấn nước.

Đảo Sơn Ca đang xây kè mở rộng, công binh mới ra đảo được vài tháng nay. Công binh hải quân là những người vất vả nhất. Hình như đâu cũng vậy, nghề xây dựng đến khi còn hoang sơ bùn đất, đi lúc sạch sẽ khang trang. Tôi gặp Thượng ta Việt Anh binh đoàn 141, người có hơn 20 năm gắn bó với công tác xây dựng đảo. Anh kể về những ngày đầu tiên gắn bó với việc xây dựng đảo vào những năm 90, những người lính công phải dầm mình cõng từng viên đá, kéo từng xuồng nước ngọt từ thuyền vào đảo. Ngày ấy, để xây đảo chìm họ phải ở trong những chiếc xuồng kín bưng - anh dùng một từ chuyên môn mà tôi quên không ghi lại nên quên béng mất - sóng vỗ dập dềnh, biển lặng mà còn say sóng hơn đi tàu gió cấp 6-7.

https://2.bp.blogspot.com/-Wx_a1zsUoqs/UZWS4ndmDkI/AAAAAAAAATI/N4DHJPrgkm0/s640/TS16.JPG

https://2.bp.blogspot.com/-iG_T-o9E2oc/UZWVrONJo7I/AAAAAAAAATo/7M-AjjeFETY/s640/TS19.JPG

Giờ xây đảo cũng đỡ hơn nhiều, đã có cơ sở để lưu trú, tầu chở hàng đã to hơn - tầu Trường Sa sức tải 1000 tấn. Nhưng sức người vẫn thế. Vẫn vác từng bao cát, vẫn tròng trành chở từng téc nước ngọt. Vẫn chạy đua cùng thời tiết, chạy đua cùng những cơn giông nổi lên bất ngờ, và mùa mưa bão đang gần kề.

Andong
20-05-2013, 11:52
Bài của bạn rất hay. Mặc dù là ghi chép mà như đang tả vậy. Ảnh cũng rất đẹp và được "quán triệt đàng hoàng". Mong rằng luôn có những bài như vậy. Vốt.

zhou
20-05-2013, 22:20
Ước gì mình là người được tặng cái vỏ ốc , hoặc trở về tuổi 19 :).

cào cào
21-05-2013, 08:08
Ngày thứ 6

Đảo Nam Yết là hòn đảo lớn thứ 2 trên quần đảo Trường Sa, chỉ sau đảo Ba Bình do Đài Loan đang chiếm giữ. Đảo có nhiều cây xanh, có cả dừa, phi lao, đa và cả bồ đề trồng sẵn ở chỗ chuẩn bị xây chùa.

https://3.bp.blogspot.com/-AzDYbMSm92c/UZkBw6vIZWI/AAAAAAAAAUY/PkdwE_smbmQ/s640/TS23.JPG

Trên đảo ngoài những công trình xây dựng giống như những hòn đảo nổi khác, đảo còn có nghĩa trang liệt sỹ. Bốn ngôi mộ của bốn người lính hải quân còn rất trẻ, chỉ 19-20 tuổi. Có bạn chỉ mới vào hải quân được 6 tháng. Lúc nãy lúc giao lưu văn nghệ, có bạn ca sĩ hát bài Tổ quốc gọi tên mình, có mấy câu:

Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi
Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ
Ngọn đuốc hòa bình, bao người ngã xuống
Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông...

https://1.bp.blogspot.com/-qCSNRNNJa-I/UZkByx3xFHI/AAAAAAAAAUg/_U-DODJy5Wo/s640/TS24.JPG

Giữa thời bình, máu vẫn nhuộm mặn sóng biển.

Trên tầu tôi ở cùng anh Xô và anh Độ, hai thủ trưởng của quân chủng Phòng không - Không quân, các anh đang trên đường công tác kiểm tra các cơ sở Phòng không - Không quân trên đảo. Hai anh nhiệt tình mời chúng tôi về đơn vị của các anh an trưa. Thật ra chẳng phải ăn trưa, giờ mới chỉ có 8.30 sáng. Nhưng những ngày ở trên tầu chúng tôi được ăn theo giờ giấc oái oăm. 5h ăn sáng, 10h ăn trưa, 4h ăn chiều và 9h đêm ăn tối. Thế nên 8.30 tạm tính là ăn trưa.

Tôi ngại uống rượu nên lần trước trên đảo Song Tử Tây tôi trốn, về phòng bị hai anh phê bình kịch liệt, nên lần này không dám trốn nữa. Vào đến nhà bếp đã thấy bàn ăn mọi thứ sẵn sàng. Các anh chiến sỹ bảo đơn vị thịt con lợn từ 4h sáng để đón thủ trưởng và đoàn công tác. Đầy đủ nướng, luộc, xào, lòng, dồi, tiết canh... thiếu chỉ là thiếu rau xanh, chỉ có giá đỗ tự làm, một ít rau tăng gia và lá cây tra, một loại cây cùng với phong ba và bàng vuông bám trụ trên đảo. Lá cây non ăn chát chát gần giống như lá mơ, được anh em chiến sỹ trên đảo ăn kèm với thịt chó, lòng lợn...

https://2.bp.blogspot.com/-ewG96TlegAk/UZkDA1RLYcI/AAAAAAAAAU0/UkwIQUx6Xjw/s640/TS25.jpg

Lại rượu rót tràn li, lại những cái bắt tay thật chặt. Những câu chuyện hỏi nhau vội vàng về quê quán, công việc... và rồi lại chia tay. Chưa kịp nhớ tên nhau đã chia tay, chưa kịp uống hết chén rượu đã chia tay. Đoàn đúng 10h phải quay về tầu để lại tiếp tục hành trình. Tôi ôm thật chặt anh bạn ngồi cạnh - trung úy Việt quê ở Lâm Thao. Hai anh em cùng nói với nhau một câu còn duyên anh em mình sẽ gặp lại.

https://2.bp.blogspot.com/-7pWuuodpt9g/UZkB1_sNjxI/AAAAAAAAAUo/VWYavLKSl2E/s640/TS25.JPG

cào cào
21-05-2013, 08:12
Ngày thứ 7

Thân ấy mất, danh ấy còn sống mãi.

Đấy là câu trong bài văn tế Khao thề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Những người lính thời nào cũng thế. Ra đến Trường Sa mới thấu hiểu hết được những mất mát, hi sinh.

Tôi cũng đi nhiều. Cũng được vài lần vào thăm và ở lại những đồn biên phòng ở biên giới phía Bắc, nhưng nếu so sánh với Trường sa, khó khăn của các chiến sĩ trên đảo gấp bội phần. Trong sinh hoạt hàng ngày, cái khó khăn nhất lại là nước ngọt, sống giữa biển nước mênh mông mà lại thiếu nước. Năm 2010, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn đã có những thời điểm phải dùng nước mặn nấu cơm, nhường nước ngọt cho những hộ dân trên đảo.

https://3.bp.blogspot.com/-RqmT7dEED5k/UZpiSYwFx5I/AAAAAAAAAV8/QGCTa50gKnE/s640/TS31.JPG

Và hy sinh. Ai cũng biết ngày 14.3.1988, 64 chiến sỹ ra xây dựng đảo Gạc Ma đã đứng thành vòng tròn giữ đảo, quấn lá cờ tổ quốc quanh người, động viên nhau dù có hi sinh thì cũng để máu của mình tô thắm lá cờ tổ quốc. Hơn 25 năm trôi qua, các anh vẫn nằm đâu đó dưới rặng san hô, dưới mây trời, sóng nước Gạc Ma. Và tôi tin anh linh của các anh vẫn còn đâu đó quanh quần đảo này.

https://3.bp.blogspot.com/-1S0Kz95Zv0Q/UZpiZCH4TeI/AAAAAAAAAWE/JqUVw-1okng/s640/TS32.JPG

Các đoàn trước đi đều nói, sau khi đến Cô Lin, làm lễ tưởng niệm các anh xong, thả hoa và ban thờ xuống nước xong, dù trời đang nắng cũng sẽ có vài hạt mưa lắc rắc, ấy là lúc anh linh các anh hiện về. Nhưng đoàn chúng tôi, sau khi lễ tưởng niệm xong, ban thờ vừa đem ra khỏi thành tầu thì bát hương hóa, ngọn lửa trùm kín bát hương và lan sang chỗ để tiền vàng. Cháy hết phần tiền vàng, ban thờ tự động đi vào chỗ vòi nước đang bơm từ thân tầu, nước dập tắt hết chỗ lửa đang cháy và ban thờ lại từ từ trôi ra chỗ vòng hoa được thả trước đấy mấy phút.

https://4.bp.blogspot.com/-4rNXzV9ZsxU/UZpijdVEaeI/AAAAAAAAAWU/vKSUu0dCDK4/s640/TS34.JPG

https://4.bp.blogspot.com/-9AtN8e_DBUg/UZpifNtXeBI/AAAAAAAAAWM/8qaq3OUExk8/s640/TS33.JPG

Thân ấy mất, danh ấy còn sống mãi.
Thú thật danh tính các anh chúng tôi không nhớ hết. Trận hải chiến trên đảo Gạc Ma chúng tôi mới biết dăm năm nay, ngay cả lễ tưởng niệm trên tầu, bài diễn văn cũng nói chung chung đối phương là nước ngoài, không một từ chỉ rõ sự thật đối phương chính là Trung Quốc. Thế nhưng tôi tin, từ nay những chiến công của các anh sẽ được vinh danh mãi mãi.

https://3.bp.blogspot.com/-s-B9nzLt6l4/UZpilgSdJLI/AAAAAAAAAWc/nmJ9bzbg4QY/s640/TS35.JPG

Tôi thả xuống biển một chiếc lá bồ đề, cầu mong cho anh linh các anh siêu thoát, mong cho vùng biển trời các anh đã ngã xuống mãi mãi được bình yên, dù nhìn sang phía Gạc Ma, hòn đảo giờ Trung Quốc xây như một con tầu chiến, nghênh ngang chĩa mũi tầu về hướng Cô Lin, Len Đao.

https://4.bp.blogspot.com/-zv-j-RgHnVQ/UZpfJ1cGfdI/AAAAAAAAAVQ/7bvUSaMQXPU/s640/TS27.JPG

Ngày hôm nay xã đảo Sinh Tồn tổ chức mitting chào mừng 38 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa. Đảo Sinh Tồn cái tên nghe rất có sức sống giữa biển khơi, nhưng Sinh Tồn là một trong những hòn đảo giáp địch nhất. Chắc vì thế mà các chiến sĩ trên đảo chắc cũng được lựa chọn kĩ càng, các bạn trả lời phỏng vấn đoàn nhà báo rất máy móc và công thức. Nhưng thôi không thể trách các bạn được, khó khăn thì ai cũng hiểu, nói thêm cũng hơn gì. Hãy nói về những niềm tin, những niềm vui, niềm tự hào của những người lính đảo, để đất liền, để gia đình yên lòng.

https://2.bp.blogspot.com/-kBiOjzrIsx4/UZpgYvjxTrI/AAAAAAAAAVc/61jtirw4nC4/s640/TS28.JPG

Đảo Cô Lin là đảo chìm gần bãi Gạc Ma nhất, cách khoảng 4 hải lí. Như bao đảo chìm khác cuộc sống ở đây vô cùng khó khăn và đói đời sống văn hóa tinh thần, lính đảo chỉ đợi văn công và mong được nghe hát. Lại bài hát Lính đảo đợi mưa nhưng lần này không mưa, vẫn nắng trang trang. Nước trong bể sắp cạn và mùa khô còn dài.

https://1.bp.blogspot.com/-G9S2FUuZr3E/UZph5PB8J9I/AAAAAAAAAVs/AkycUOe06OA/s640/TS29.JPG

https://1.bp.blogspot.com/-TqhTzQ37ll0/UZpiLkIk-sI/AAAAAAAAAV0/i0tJi-SC07Q/s640/TS30.JPG

Mưa đi mưa đi, mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm lính đảo chẳng thích đâu.
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo.
Đảo vẫn hiên ngang giữa đại dương sóng bão.
Như đá vững bền, như đá tốt tươi.

https://3.bp.blogspot.com/-hClATO8bkDk/UZpd0g2fJVI/AAAAAAAAAVE/B5RbOQELV1A/s640/TS26.JPG

lucthum
21-05-2013, 10:40
Hay. Đây mới đúng là cực đông của Việt Nam.

PK Leo
21-05-2013, 15:19
Cảm ơn a cào cào. Hình như a là một Nhà báo???

cào cào
22-05-2013, 11:24
@Lukas 18: Mình không phải là nhà báo bạn ạ, chỉ là lăng xăng cạnh các bạn nhà báo để moi tin thôi :D.

rong_ha
22-05-2013, 17:47
Bác ơi, em không phải nhà báo, ko phải ủy viên TW Đảng... Làm sao em có thể ra Trường Sa đây?:(((((. Bác mách cho em các cách có thể đi với.

cào cào
22-05-2013, 23:41
@ rong_ha : Hihi rồi bác sẽ chỉ dẫn các bạn cách đi Trường Sa :D

cào cào
23-05-2013, 11:48
Ngày thứ 9 của cuộc hành trình và cũng là ngày cuối cùng, tầu đang chạy thẳng về Vũng Tầu kết thúc chuyến đi 10 ngày. Một chuyến đi mong ước, không dễ gì có được lần thứ 2.

Những lần chia tay trên từng đảo luôn là những hình ảnh đẹp nhất và ám ảnh nhất trong suốt chuyến đi. Đêm qua, ở đảo Trường Sa lớn, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa đứng hai hàng trên cầu cảng vẫy tay chào đoàn, nhưng rồi có một ai đấy cất tiếng hát và rồi cả đoàn hát theo, bài nọ nối tiếp bài kia, trên boong tầu hát, dưới đảo hát. Những bài hát lần lượt nối tiếp nhau: Hành khúc chiến sĩ Trường Sa, Nối vòng tay lớn và cuối cùng là Hát mãi khúc quân hành.

Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính, mãi mãi lòng chúng ta, hát mãi khúc quân hành ca.

Câu hát cuối cùng trước khi đoàn tầu xa hẳn cầu cảng, rúc lên ba hồi còi chia tay đảo Trường Sa.

Cả đoàn nấn ná mãi trên boong, đứng nhìn về phía đảo, nhìn một phần Tổ quốc ở lại giữa biển khơi. Nhìn những người chiến sỹ vẫn đứng dưới ánh trăng, tay vẫy mãi theo con tầu đã rời bến. Tôi tự hỏi, không biết có thêm lần nào được nhìn thấy, có thêm lần nào được gặp lại, có thêm lần nào sẽ chia tay...

https://3.bp.blogspot.com/-xVHaUqocR1o/UZptgTSsPdI/AAAAAAAAAW4/fu9e2ErA-sI/s640/TS37.JPG

Đảo Trường Sa lớn là thủ đô của quần đảo vì thế được đầu tư khá tốt về cơ sở hạ tầng. Và trên đảo cây xanh rất nhiều. Hàng cây tra tốt um rợp bóng mát.

Tôi lang thang cùng bọn trẻ con trên đảo. Chúng có khoảng 7 đứa, 5 gái 2 trai. Lớn nhất 11 tuổi, bé nhất 6 tuổi. Chúng ríu rít đi đâu cũng kéo nhau đi. Chúng cãi nhau chí chóe xem đứa nào nhiều tuổi, đứa nào ít tuổi. Chúng ngây thơ và ngơ ngác hơn bọn trẻ con trong đất liền nhiều. Hai thằng con trai có vẻ là lực lượng yếu thế nên bị bọn con gái to mồm hơn bắt nạt. Nhưng chúng đi đâu cũng có nhau, ríu rít như bầy chim dưới cái nắng chang chang trên đảo. Chúng là minh chứng cho câu hát:

Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo.

https://1.bp.blogspot.com/-OhU9O4pY1Gw/UZpsgCHMXuI/AAAAAAAAAWs/tnD1dB_z4Ik/s640/TS36.JPG

Sáng nay, chúng tôi lên nhà dàn, chòi canh gác giữa biển khơi. Nhà dàn được xây dựng trên các bãi cạn, đá san hô chưa nhô lên khỏi mặt nước để thành đảo. Giữa biển khơi, các nhà dàn nhìn như những chòi canh gác, bé nhỏ giữa biển khơi bao la. Trên vùng biển Việt Nam có khoảng 15 nhà dàn giữa biển. Chỉ có một vài nhà dàn nằm gần đường di chuyển của các con tầu "du lịch" như chúng tôi đang đi thì mới được nhiều đoàn ghé thăm, chứ những nhà dàn ở xa, hoặc như ở tận mũi Cà Mau cũng có nhà dàn thì chắc chẳng bao giờ có ai ra thăm. Chỉ có vài chiến sĩ trên những chiếc chòi canh biển canh trời.

Trên nhà dàn Phúc Tần DK1/18 có những anh gắn bó với các nhà dàn đến 12 năm, có chiến sĩ bố mới mất mà không thể về.Có chiến sỹ, con trai anh bị tật tim bẩm sinh mà cũng chẳng giúp được gì cho vợ.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nhà dàn trên các bãi cạn, đã có 13 người đã hi sinh khi làm nhiệm vụ. Những cơn bão đã đánh sập nhà dàn. Các anh mãi mãi nằm lại giữa biển khơi.

https://1.bp.blogspot.com/-EkiZ8vIpXXc/UZpuhhrOKbI/AAAAAAAAAXE/71DQhS4BDWU/s640/TS38.JPG

Tầu đang chạy về đất liền, kết thúc hành trình gần 2000 hải lí, qua 10 điểm đảo và nhà dàn trên quần đảo Trường Sa, một phần của Tổ quốc giữa đại dương bao la. Nhưng đấy là một phần tổ quốc đẹp nhất, rất kiêu hùng nhưng cũng chịu nhiều khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh.

Và những người lính trên đảo là những người trực tiếp đứng nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi biết, các anh còn nhiều những tâm tư chưa thể nói hết, còn nhiều những nguyện vọng chưa thể đáp ứng, còn nhiều những trăn trở chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều... nhưng các anh đã và đang vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương như lời bài hát Hành khúc người chiến sỹ Trường Sa.

Biển này là của ta, đảo này là của ta
Chiến sỹ Trường Sa, hát tiếp bài ca
Về những tấm gương anh bộ đội cụ Hồ
Giữ vững chủ quyền tổ quốc Việt Nam ta...

duale
23-05-2013, 12:30
Bác ơi cho xin thêm 500 ảnh nữa....... thèm quá đi mất....

LenDuongThoi
26-05-2013, 19:11
Cám ơn Bác Cào Cào vì Topic này, vì tình cảm mà Bác thể hiện đối với những người lính đảo, coi như thay mặt đồng bào mình vậy. Cảm động thay! :)

78maitieuthu
27-05-2013, 13:36
Mưa đi mưa đi, mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm lính đảo chẳng thích đâu.
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo.
Đảo vẫn hiên ngang giữa đại dương sóng bão.
Như đá vững bền, như đá tốt tươi.
nghe bài hát này và nhìn mọi người hát với tất cả tấm lòng, nhiệt huyết .....thấy cuộc sống này vẫn còn nhiều điều tươi đẹp quá. tôi thích câu " Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo"...
Cảm ơn bác " Cào cào" vì những tấm ảnh và những mẩu chuyện đầy cảm xúc

TÍM
27-05-2013, 13:43
Lâu lắm mới có topic lấy đi của mình nửa chai nước mắt!

Tkss Cào cào đã viết và chia sẻ :)

nguyenhoangha
27-05-2013, 16:11
Bài viết rất hay và ý nghĩa , thông tin thuộc ' hàng hiếm " . Chúc bác chủ vui khỏe để có thêm nhiều bài hay !

love buzz
27-05-2013, 16:33
Cả bài viết và hình ảnh đều rất sinh động, giàu cảm xúc. Cảm ơn anh đã chia sẻ :D

dugiang
27-05-2013, 16:43
Lại một mong ước nữa được thêm vào wish list của mình.
Cào Cào ơi,...mình hihi rồi. Chỉ cho mình cách ra Trường Sa với.

Vẫn còn đang cảm thấy rất xúc động.

cào cào
27-05-2013, 21:03
@Tím : Có vừa gạt nước mắt vừa niệm thần chú không hehe?
@Du giang: Okie em sẽ viết tiếp đoạn vì sao và như thế nào để đi được Trường Sa.
Thanks các bạn đã động viên.

xom2009
28-05-2013, 15:46
Bác Cào cào đã có chuyến đi xuôi chèo mát mái quá, chuyến đi của mình kết thúc bằng cơn bão dập tơi tả các thành viên trong đoàn. :D

TranTrung
28-05-2013, 16:18
Muốn đc đi quá mà không biết phải làm sao đây, chờ tin bác hehe

Rin Nhóc
29-05-2013, 09:11
@ rong_ha : Hihi rồi bác sẽ chỉ dẫn các bạn cách đi Trường Sa :D

Hứa là chỉ cho mọi người nha bạn. Trường Sa đó, là máu là thịt của Tổ Quốc ta đó. Ôi đẹp, thiêng liêng và hùng vĩ biết bao.

Lướt theo từng hình ảnh, từng con chữ của bạn, cảm xúc dạt dào không nói được thành lời, khóe mắt tự nhiên cảm thấy cay cay, vương vấn trong đầu những vần thơ vừa mới đọc...

"Mưa đi mưa đi, mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm lính đảo chẳng thích đâu.
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo.
Đảo vẫn hiên ngang giữa đại dương sóng bão.
Như đá vững bền, như đá tốt tươi."


Cảm ơn bạn Cào Cào nhiều lắm lắm, hiếm có một bài viết hình ảnh, thơ và ghi chép sống động như thế này, viết thì dễ nhưng truyền cảm hứng cho người đọc thì rất khó. Cảm ơn bạn đã cho mình những cảm xúc mãnh liệt về Trường Sa vào một buổi sáng đẹp trời như thế này


"Nắng Sài Gòn hôm nay sao trong vắt
Cô gái ngồi mơ mộng nơi Trường Sa..."

Kim_Linh
29-05-2013, 13:17
Chán thật tới thời điểm này mà còn nói chung chung cái kiểu nước ngoài ko dám chỉ thẳng mặt thằng tq , Các anh đã hy sinh ko vô ích nhưng buồn cho các anh là sự hy sinh của các anh chưa thật sự dc công nhận .

cào cào
31-05-2013, 00:06
Vĩ thanh

1. Tôi hay lang thang cùng hội nhà báo vì cùng chụp ảnh, cùng thích lang thang các ngóc ngách trên các đảo. Trong đoàn có bạn làm báo Văn Nghệ, là nhà thơ. Đi thực tế ở Trường Sa để viết bài, nhưng cứ than thở chưa tìm ra được đề tài gì hay để viết. Trong khi đoàn Tổng công ty dầu khí Việt Nam có anh Chính chuyên làm thơ, mỗi đảo anh ra một bài, đại loại:

Chưa đi chưa biết Trường Sa
Đi rồi mới biết toàn là đàn ông
Chầy thì có, cối thì không...

Anh em trong đoàn trêu, nhà thơ thật thì không có thơ, nhà thơ vườn thì thơ lai láng.

https://2.bp.blogspot.com/-sADjMkXJdEk/UaeFlm9idvI/AAAAAAAAAy0/Ftm4Vz9cHZM/s640/TS42.JPG
Dàn khoan dầu khí trên Biển Đông

2. Hôm cuối cùng, tầu neo ở cửa sông Sài Gòn, sáng hôm sau mới về được cảng Cát Lái, mấy anh em ngồi trên boong uống rượu chia tay, gọi là đêm giã bạn, mấy anh em ngồi nhắc đến chuyện lên đảo Song Tử Tây và Đá Nam, đôi văn công vừa hát xong bài Lính đảo đợi mưa thì trời mưa luôn, giờ đang nóng, ngồi đây cũng đầy đủ đội văn công, hát thử xem có mưa không. Ai ngờ vừa hát dứt bài, trời đang nóng, không một ngọn gió, bỗng giông gió nổi lên, mưa ào ào làm cả bọn phải thu dọn đồ chui về khoang tầu nhậu tiếp.

3. Bài thơ của Đại úy Đăng Hùng, trưởng nhà dàn DK1/18

https://1.bp.blogspot.com/-wMCQD1-EfEk/UaeGYNC7uAI/AAAAAAAAAzE/fm1uQTgFP0U/s640/TS44.jpg

Lính nhà dàn

Lính nhà dàn chông chênh
Mong manh tựa như nước
Đứng trên tòa sắt thép
Trái tim tựa như đồng

Lính nhà dàn vô tư
Nhưng rất nhiều cảm xúc
Nỗi nhớ nhà bất chợt
Cũng viết thành bài thơ.

Lính nhà dàn ưu tư
Những chiều hoàng hôn xuống
Những đêm biển bình lặng
Vẫn một niềm riêng tư.

Lính nhà dàn kiên trung
Những ngày mưa bão tới
Khi kẻ thù xâm phạm
Vẫn vững một niềm tin

Lính nhà dàn em ơi
Hạnh phúc đơn sơ lắm
Họ hy sinh tất cả
Giữ biển trời quê hương.

4. Đây là một đoạn trong tiểu thuyết mini Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa viết năm 1980. Đọc thêm để thấy những vất vả của lính những ngày đầu xây dựng đảo.

Chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:

- Bố thấy Vuơng quốc của chúng con thế nào?

Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

- Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi. - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi. - Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hoả của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...

- Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!

Tư lệnh ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Đôi mắt ông bỗng cay xè, ầng ậng nước. Anh lính trẻ cũng nắm chặt bàn tay xù xì thô ráp của Tư lệnh:

- Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!

Tư lệnh ngạc nhiên:

- Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?

Anh lính trẻ vui vẻ:

- Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!

Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng.

- Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo!

Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh. Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay

- Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?

- Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước. - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!

EndLesS21
02-06-2013, 21:46
Cám ơn bác đã cho em 1 trải nghiệm về Trường Sa thật xúc động. Mong 1 lần được ra Trường Sa quá.:)

ramion67
02-06-2013, 21:48
tin nhắn phim sex 3gp (http://phimsexvip.mobi/) dội bom điện thoại

dnghia
03-06-2013, 00:44
Em rất muốn đi Trường Sa, muốn được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc, nhưng không biết đi như thế nào, bác có thể giúp em được không ?

ooohmygod
03-06-2013, 02:50
[QUOTE= Okie em sẽ viết tiếp đoạn vì sao và như thế nào để đi được Trường Sa.
Thanks các bạn đã động viên.[/QUOTE]
Cái này thì em không mơ nhưng sẽ hóng cho khí thế.
Đọc bài viết của bác khá hay và chân thực,nhưng có vài từ thực quá lại không hay.Vì ngoài cảm nhận của chúng ta thì còn những người đã từng ra trước bác,còn quốc phòng và chính trị nữa.Không phải em nói quá đâu nhưng biển đảo thiêng liêng nhưng cũng rất nhạy cảm.
Mong lại được đọc những dòng hồi ức của bác.Thanks!

elcid
04-06-2013, 10:37
Biết rằng không phải ai cũng có thể đi được Trường Sa, nhưng vẫn mong bác cao cao chia sẻ. Mong tin bác!

diepdc
04-06-2013, 15:19
còn nữa ko bạn, up tiếp nhé

cào cào
04-06-2013, 23:12
Tip cho những bạn muốn đi Trường Sa.

- Trước hết các bạn phải có mong muốn đã, và phải tận dụng mọi mối quan hệ, vì đôi khi có những đoàn đăng kí đi Trường Sa vẫn thừa suất và bạn có thể xin thế chân. Vấn đề là bạn quan hệ thế nào để được ghi vào danh sách đoàn và lên đường thôi.

- Nếu các bạn là tổ chức, cơ quan muốn đi TS, tổ chức, cơ quan các bạn phải làm công văn sang Cục chính trị - Quân chủng Hải Quân để đề nghị được tham gia đoàn công tác vào khoảng tháng 9-10 hàng năm, bên Cục chính trị sẽ xem xét sắp xếp vào khoảng tháng 3 năm sau. Mẫu công văn, địa chỉ các bạn PM nha.

- Say sóng, tôi không bị say sóng và đoàn đi rất thuận lợi trời yên biển lặng nên không có nhiều kinh nghiệm truyền cho các bạn. Chỉ có vài điều : nếu say sóng biển thì đừng uống thuốc, sẽ còn mệt gấp đôi vì vừa say, vừa lơ mơ. Cứ nằm bẹp một chỗ là hết.

- Quà mang lên đảo : Hạt rau xanh, phân vi sinh bón lá, đất mầu... Tivi, đầu karaoke và thẻ điện thoại viettel, thuốc lá, bia, bình ắc quy khô. Sách báo, phim ảnh muốn mang ra phải gửi trước để kiểm duyệt. Bánh kẹo cho trẻ con trên đảo... Thuốc lá, thẻ viettel bạn có thể để trong túi, khi lên đảo giao lưu với các bạn chiến sỹ thì tặng luôn, vì nếu để trong quà của đoàn công tác thì chẳng biết bao giờ mới đến tay lính đảo.

- Ảnh chụp thoải mái, chỉ có điều các bạn nên tự kiểm duyệt theo hướng dẫn của các anh Hải Quân.

- Ngoài Hải quân, trên đảo còn có một số đơn vị khác, các bạn nên hỏi trước bên Hải quân khi chuẩn bị quà về các đơn vị này và quà ghi tên rõ ràng trên thùng quà để quà đến đúng địa chỉ.

https://2.bp.blogspot.com/-QBuh1hn21vg/Ua4R3gvrCJI/AAAAAAAAAzU/BF6bKnXRKXA/s640/Sinh+ton.jpg

- Đồ ăn trên tầu rất đầy đủ, ngày các bạn sẽ được ăn 4 bữa từ 5h sáng đến 10h đêm. Nhưng thức ăn sẽ lặp đi, lặp lại nên hơi chán, các bạn nên mang theo mỳ gói, lương khô, hoa quả loại để được lâu lâu như bưởi, cam... và đồ nhậu như bò khô, cá khô, mực... Bia rượu mang thoải mái lên tầu, nhưng không được mang rượu xuống đảo.

- Đêm các bạn sẽ không được lên đảo, tầu sẽ neo ngoài biển, vì trên đảo không thể phục vụ một số lượng người lớn, sẽ chỉ có văn công và một số ít nhà báo. Vì thế nếu các bạn có tài văn nghệ, nên thể hiện bản thân để các chỉ huy trưởng hành quân có thể ghép bạn vào đoàn văn công, giao lưu có thêm nhiều thành phần.

- Phòng ở tương đối nóng, nên các bạn sẽ phải trèo lên boong ngủ khi biển yên và không mưa, vì vậy nên mang theo võng để kiếm chỗ mắc và ngủ.

- Bạn sẽ được cho mượn mũ và dép bộ đội, các bạn không nên mang dép tông, lê đi trên tầu, rất dễ trơn trượt, nguy hiểm.

- Điện thoại chỉ có sóng Viettel.

- Thời gian trên tầu rất nhiều, các bạn chuẩn bị sẵn đồ chơi để giết thời gian.

- Nếu các bạn có giấy công lệnh đi đường, lên đảo sẽ được đóng dấu vào công lệnh. Nếu bạn không có công lệnh, bạn nên mang theo quyển sổ rồi xin các anh trên đảo đóng dấu về làm kỉ niệm. Các anh hành chính trên đảo vẫn nhiệt tình và vui vẻ đóng dấu.

- Nhà sư trên Song tử tây rất trẻ, vui tính và viết chữ đẹp. Bạn có thể mang giấy hoặc nhặt một hòn đá, san hô rồi xin chữ của thầy.

haihoa77
05-06-2013, 12:22
Các Anh/Chị/Bạn có ý định ra thăm Trường Sa nên tham khảo các bài này nhé:
http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2...o-o-ao-xa.html
http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2...ang-vuong.html
http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2...-nha-gian.html
http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2...truong-sa.html

Onedollarbin
05-06-2013, 12:39
Cảm ơn anh Cào Cào đã mang về những hình ảnh tuyệt đẹp và cung cấp những thông tin bổ ích :D

GENERALS
07-06-2013, 08:49
Cám ơn bác Cào Cào rất rất nhiều !!!!